TỔNG HỢP VỀ THỊ TRƯỜNG CACBON
1. Thị trường cacbon
Thị trường carbon bao gồm thị trường carbon bắt buộc (compliance market) và thị trường carbon tự nguyện (voluntary market).
Thị trường carbon bắt buộc là thị trường được hình thành và điều tiết bởi các hệ thống giảm phát thải quốc tế, khu vực hoặc quốc gia để thực hiện giảm phát thải. Việc giảm phát thải sẽ phải tuân thủ theo các quy định bắt buộc của quốc gia, khu vực hoặc quốc tế, ví như các cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism – CDM thuộc Nghị định thư Kyoto, hệ thống giao dịch phát thải châu Âu (European Emissions Trading System/Scheme EU-ETS) cùng các hệ thống giao dịch phát thải bắt buộc khác.
Thị trường carbon tự nguyện nằm ngoài phạm vi quy định của thị trường carbon bắt buộc, vận hành dựa trên cam kết tự nguyện giữa các tổ chức, cá nhân và tuân theo các tiêu chuẩn, trong đó có các tiêu chuẩn carbon do tổ chức đặt ra được thị trường thừa nhận. Thị trường carbon tự nguyện là thị trường cho phép các cơ sở phát thải bù trừ (offset) lượng phát thải không thể tránh khỏi của mình bằng cách mua tín chỉ carbon được tạo ra từ các dự án giảm phát thải nhằm giảm lượng phát thải KNK trên cơ sở tự nguyện. Các dự án tín chỉ carbon được phát triển và đăng ký theo các tiêu chuẩn carbon tự nguyện/độc lập như Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (Verified Carbon Standard – VCS) hay Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard – GS) và các tiêu chuẩn carbon tự nguyện khác.
Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard – GS) do Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) phát triển năm 2003 nhằm tối đa hóa khả năng giảm phát thải từ các dự án và thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs)
Năm 2007, các doanh nghiệp và các nhà hoạt động vì môi trường thiết lập Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (Verified Carbon Standard – VCS) hay Verra và hiện VCS trở thành tiêu chuẩn carbon tự nguyện lớn nhất cả về số lượng dự án và lượng tín chỉ được ban hành. Sau sự ra đời của GS và VCS, hàng loạt tiêu chuẩn carbon tự nguyện khác được thiết lập như Plan Vivo…
Số lượng tín chỉ carbon được ban hành theo các cơ chế tín chỉ khác nhau
Sau COP 26, thị trường tín chỉ carbon tăng từ 327 triệu lên 478 triệu tấn CO2 tương đương, tương ứng tăng 48% tổng số lượng tín chỉ được ban hành từ các cơ chế bắt buộc và tự nguyện trong năm 2022. Đây là mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ giai đoạn cao điểm của việc ban hành tín chỉ carbon vào năm 2012. Tổng số tín chỉ ban hành từ năm 2007 đến cuối năm 2021 là khoảng 4,7 tỷ tấn CO2 tương đương.
Giai đoạn 2019-2020 trở đi, lượng tín chỉ do cơ chế CDM chỉ chiếm 1/10 tổng lượng tín chỉ carbon được ban hành hàng năm.
Tại thị trường cacbon tự nguyện, giá trị thương mại carbon trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất tăng – giảm không ổn định theo từng năm, ví dụ: năm 2017 có 16,9 triệu tấn CO2 với giá trung bình 5,1 USD/tấn cho tổng giá trị 65,2 triệu USD; năm 2018 tăng lên mức 51,1 triệu tấn CO2 với giá trung bình 3,39 USD/tấn cho tổng giá trị 173 triệu USD; năm 2019 giảm còn 36,7 triệu tấn CO2 với giá trung bình 4,33 USD/tấn cho tổng giá trị 159 triệu USD
Thị trường carbon tự nguyện được dự đoán sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới, có thể lên tới 25 tỷ đô la vào năm 2030 và 480 tỷ đô la vào năm 2050.
2. Thị trường cacbon bắt buộc
Việt Nam phát triển rất nhiều dự án theo cơ chế CDM để nhận được những hỗ trợ quốc tế trong việc thực hiện các biện pháp giảm phát thải. Cơ chế này cho phép các bên nhận tín chỉ dưới dạng các “chứng nhận giảm phát thải”, viết tắt là CERs (1 CER = 1 tấn CO2 tương đương)
Theo cơ sở dữ liệu từ UNFCCC, tính đến 5/12/2022, tổng số dự án tín chỉ carbon theo cơ chế CDM tại Việt Nam là 258 dự án. Tổng lượng tín chỉ đã ban hành từ các dự án CDM tại Việt Nam là 30.736.808 CERs.
Lượng tín chỉ carbon theo cơ chế CDM tập trung chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng, thu hồi khí đồng hành. Việt Nam chỉ có duy nhất dự án trồng rừng tại Cao Phong (Hòa Bình) được đăng ký thành công theo CDM. Lượng giảm phát thải ước tính của dự án là 2.665 CERs/năm trong giai đoạn tín chỉ 2009 - 2025. Mặc dù được đăng ký thành công nhưng chưa có tín chỉ carbon nào được ban hành cho dự án này.
3. Thị trường cacbon tự nguyện
Thị trường carbon tự nguyện hình thành trên nhu cầu tiêu dùng khác nhau của các công ty, tổ chức nằm ngoài quy định giảm phát thải của nhà nước, nó cho phép các công ty và cá nhân muốn bù đắp trực tiếp lượng phát thải KNK của họ mà không cần ràng buộc pháp lý giữa các quốc gia.
Các dự án tín chỉ carbon tự nguyện thường có quy mô nhỏ hơn và tập trung vào phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, các dự án tín chỉ carbon phần lớn thường được đăng ký theo Tiêu chuẩn vàng (GS) và Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS). Tính tới tháng 11/2022 đã có hơn 9 triệu tín chỉ được ban hành theo thị trường carbon tự nguyện, trong đó có 20 dự án đăng ký theo tiêu chuẩn GS và ban hành ra thị trường hơn 7.047.529 tín chỉ, 27 dự án theo tiêu chuẩn VCS và ban hành 2.402.415 tín chỉ.
Thống kê lượng tín chỉ carbon đã ban hành tại Việt Nam theo các tiêu chuẩn tự nguyện tính đến tháng 11/ 2022
Đối với loại hình dự án rừng, hiện Việt Nam có duy nhất một dự án được đăng ký theo tiêu chuẩn carbon tự nguyện của Plan Vivo – cơ chế chỉ tập trung các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng và phát triển bền vững sinh kế của cộng đồng sống dựa vào rừng. Dự án được thực hiện tại xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với diện tích hơn 1.238 ha rừng tự nhiên với mục tiêu bảo vệ rừng và kết hợp phát triển sinh kế 150 hộ gia đình đồng bào dân tộc M’nâm. Dự án đăng ký thành công vào năm 2021 nhưng chưa ban hành tín chỉ.
4. Đăng ký dự án tín chỉ cacbon rừng
Tính đến tháng 11/2022, có tổng cộng 252 dự án tín chỉ carbon cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng được đăng ký thành công trên toàn thế giới. Trong đó, VCS có tổng số 241 dự án, bao gồm các dự án trồng rừng, trồng rừng ngập mặn.
Việc phát triển dự án tín chỉ carbon rừng hoàn toàn phù hợp với định hướng Việt Nam trong việc tối ưu hóa các nguồn đầu tư xã hội hóa từ các doanh nghiệp và tổ chức trong nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều dự án rừng đăng ký thành công do thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh hỗ trợ việc phát triển dự án cũng như các yêu cầu ngày càng khắt khe về tính toàn vẹn môi trường của các tiêu chuẩn carbon hiện nay. Các chính sách về phát triển lâm nghiệp bền vững cũng đang được gấp rút hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thương mại hóa tín chỉ carbon rừng.
Về vấn đề kỹ thuật, đối với rừng trồng mới, các dự án trồng rừng mới tuy đem lại lượng tín chỉ lớn nhưng thường do các hộ gia đình trồng, diện tích nhỏ, trung bình từ 1-2 héc-ta, lại khá phân mảnh nên khó quản lý, giám sát, chưa kể phải đảm bảo điều kiện hợp lệ là khu vực không phải là rừng trong vòng 10 năm liên tiếp. Tính đến thời điểm 2015-2016, hầu hết các diện tích rừng trồng Việt Nam đã được phủ xanh nên diện tích phù hợp để thực hiện các dự án trồng rừng mới là rất hạn chế.
Đối với rừng trồng lại, các dự án tăng hấp thụ carbon bằng các hoạt động nâng cao năng suất rừng trồng yêu cầu khu vực dự án phải được cấp chứng nhận FSC. Điều này đã hạn chế đối tượng tham gia và chỉ phù hợp cho các công ty lâm nghiệp lớn hoặc nhóm hộ gia đình đã có chứng nhận FSC. Những đối tượng cho dự án cần có một nguồn kinh phí cho việc cấp và duy trì chứng nhận FSC.
Đối với rừng tự nhiên, mặc dù trong thời điểm hiện tại đã có bộ cơ sở dữ liệu hiện trạng rừng nhưng các dự án bảo vệ phát triển rừng tự nhiên muốn đăng ký dự án tín chỉ carbon cần bộ dữ liệu lịch sử trong 10 năm trở lại trước. Đối với mốc thời gian này, các đơn vị quản lý hầu như không có đầy đủ thông tin về lịch sử mất rừng do trước đó việc quản lý hồ sơ chưa theo hệ thống, chưa nhất quán và khó tổng hợp đầy đủ trong khi việc xác định được các yếu tố mất rừng sẽ là cơ sở để xây dựng đường cơ sở, từ đó xác định được lượng tín chỉ thu được khi thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng.
Đối với rừng ngập mặn, rừng ngập mặn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc ứng phó với BĐKH. Các khu rừng ngập mặn sẽ là lớp bảo vệ cho tài sản của người dân khu vực ven biển và hạn chế việc xâm nhập mặn cũng như xói mòn bờ biển tại những khu vực đó. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn đem lại nguồn lợi kinh tế to lớn từ nguồn thủy sản đa dạng sống dưới tán rừng. Tuy nhiên, rào cản đến từ việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn sẽ cần một khoản đầu tư rất lớn. Việc trồng mới 1 héc-ta rừng ngập mặn có thể lên tới 500 triệu đồng tùy vào điều kiện lập địa của khu vực. Do đó, để phát triển các dự án trồng rừng ngập mặn cần một nguồn ngân sách phân bổ phù hợp trong thời gian dài.
5. Tiêu chuẩn cacbon rừng
Để tham gia thị trường carbon, carbon rừng phải được tính toán dưới dạng tín chỉ carbon. Mỗi tín chỉ carbon rừng phải được xác nhận (verification) từ giảm phát thải hoặc tăng hấp thụ 1 tấn khí CO2 hoặc 1 tấn CO2 tương đương (CO2e) được tạo ra từ các hoạt động chống mất rừng và suy thoái rừng; quản lý rừng bền vững; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng; bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và trồng rừng. Hiện có một số tiêu chuẩn có thể áp dụng cho carbon rừng cho thị trường carbon tự nguyện, bao gồm:
a) Tiêu chuẩn carbon được xác nhận (VCS) của VERRA được giới thiệu từ năm 2007, hiện chiếm tới 90% giao dịch. VCS thường được dùng để xây dựng các dự án và xác nhận tín chỉ carbon rừng được hình thành từ trồng rừng mới, trồng lại rừng gỗ lớn, trồng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, phục hồi rừng tự nhiên; giảm phát thải từ chống mất rừng và suy thoái rừng; phục hồi và bảo tồn đất ngập nước. Theo tiêu chuẩn này, số lượng tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam được xác nhận có cơ hội đạt được cao.
b) Tiêu chuẩn ART/TREES (The REDD+ Envirromental Excellence Standards) ra mắt năm 2021, được dùng để xây dựng các dự án và xác nhận tín chỉ carbon rừng được hình thành từ chống mất rừng, chống suy thoái rừng và trồng rừng trên đất không có rừng trước đó ít nhất 5 năm hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng trên đất trống (1a, 1b, 1c), rừng nghèo kiệt. Theo tiêu chuẩn này, số lượng tín chỉ carbon rừng thu được thấp hơn tiêu chuẩn VCS. Tháng 10/2020, Bộ NN&PTNT và Tổ chức Tăng cường tài chính Lâm nghiệp (Emergent) là cơ quan ủy thác của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) đã ký Ý định thư (LOI) để chuyển nhượng 5,15 triệu tấn CO2e từ rừng của các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên theo tiêu chuẩn ART/TREES.
c) Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard – GS) hình thành năm 2003, được dùng để xây dựng các dự án và xác nhận tín chỉ carbon rừng hình thành từ trồng rừng mới trên đất chưa có rừng và trồng rừng lại chu kỳ dài. Đây là tiêu chuẩn có thể phù hợp với trồng rừng đặc dụng và trồng rừng phòng hộ ở Việt Nam. Đến nay chưa có dự án tín chỉ carbon rừng áp dụng tiêu chuẩn này ở Việt Nam.
d) Tiêu chuẩn PLAN VIVO được giới thiệu từ năm 2001, dùng để xây dựng các dự án và xác nhận tín chỉ carbon rừng hình thành từ giảm phát thải do chống mất rừng, suy thoái rừng; hấp thụ và lưu giữ carbon rừng từ phục hồi rừng và hệ sinh thái; hấp thụ carbon rừng từ quản lý rừng bền vững. Ở Việt Nam, dự án thí điểm ở xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum nhằm mục đích giảm mất rừng và suy thoái rừng ở các khu rừng cộng đồng được thiết kế theo tiêu chuẩn PLAN VIVO. Hồ sơ dự án đã được Tổ chức PLAN VIVO thẩm định (validation).
e) Tiêu chuẩn khí hậu, cộng đồng và đa dạng sinh học (CCB) ra đời năm 2014, dùng để xây dựng và cấp tín chỉ cac-bon rừng được hình thành từ giảm phát thải do chống mất rừng, suy thoái rừng; hấp thụ và lưu giữ carbon rừng từ trồng rừng, phục hồi rừng, nông lâm kết hợp. Đây cũng là tiêu chuẩn bổ sung của VCS nên thường đi kèm với các dự án VCS về Nông nghiệp, Lâm nghiệp và sử dụng đất. Tín chỉ carbon rừng VCS được cấp thêm tiêu chuẩn CCB sẽ mang giá trị cao hơn rất nhiều. Vì vậy, Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng của tỉnh Quảng Nam được xây dựng theo tiêu chuẩn VCS nhưng cũng bổ sung thêm tiêu chuẩn CCB để cấp tín chỉ carbon rừng. Đến nay Đề án chưa được triển khai do thiếu các quy định về quy trình, thủ tục, trách nhiệm của các bên liên quan, cơ chế tài chính của một dự án kinh doanh tín chỉ carbon rừng ở từng giai đoạn như: nghiên cứu khả thi, xây dựng dự án (project description), thẩm tra dự án (validation), xác nhận tín chỉ (verification), phát hành tín chỉ.
6. Tiêu chuẩn VCS
Thành lập năm 2007 có trụ sở tại Mỹ
Được biết đến với tiêu chuẩn chứng nhận carbon (Verified Carbon Standard – VCS) để phát triển và quản lý tín chỉ carbon, một chương trình bù đắp carbon (carbon offset) lớn nhất thế giới
Thúc đẩy đầu tư vào các dự án giảm thiểu, ngăn chặn hoặc thu giữ phát thải KNK.
Các dự án giảm phát thải và đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn VCS đủ điều kiện để nhận VCU (Verified Carbon Units). 1 VCU = 1 tấn KNK phát thải
VCU có thể được mua bởi các Công ty muốn bù đắp lượng khí thải của chính họ
Các dự án giảm phát thải ở mọi nơi trên thế giới đều đủ điều kiện tham gia chương trình
Các dự án phải tuân theo Hướng dẫn chương trình VCS (v4.2) và tiêu chuẩn VCS (v4.3)
Các dự án phải thực hiện một hoặc nhiều phương pháp kiểm toán do VERRA phát triển và/ hoặc VERRA phê duyệt.
Các dự án phải báo cáo thiết kế và kế hoạch thực hiện dự án trong tài liệu mô tả dự án
Các dự án phải báo cáo định kỳ khối lượng giảm phát thải đã thực hiện (trong một khoảng thời gian nhất định) trong tài liệu báo cáo giám sát.
Thời gian hoạt động (thời gian tín chỉ) 7 năm và gia hạn hai lần cho đến 21 năm.
7. Trích Nghị định 06/2022/NĐ-CP liên quan tín chỉ carbon
Điều 18. Xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường các-bon trong nước
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn, bao gồm:
a) Lượng tín chỉ các-bon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định này.
2. Trình tự, thủ tục xác nhận
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch quy định tại khoản 1 Điều này nộp đơn theo Mẫu số 01 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này về Bộ Tài nguyên và Môi trường qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến để được xác nhận;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xác minh, cấp giấy xác nhận và gửi thông báo cho tổ chức, cá nhân; trong trường hợp không cấp giấy xác nhận thì phải nêu rõ lý do.
3. Giấy xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch theo Mẫu số 02 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 20. Đăng ký chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon
1. Đối tượng xây dựng, thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon
a) Tổ chức Việt Nam có nhu cầu xây dựng, thực hiện chương trình, dự án;
b) Tổ chức nước ngoài có nhu cầu xây dựng, thực hiện chương trình, dự án trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nộp hồ sơ đăng ký đề nghị chấp thuận chương trình, dự án tới Bộ Tài nguyên và Môi trường theo một trong các hình thức: nộp trực tiếp, trực tuyến hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính. Hồ sơ đề nghị chấp thuận dự án bao gồm:
a) Đơn đề nghị chấp thuận chương trình, dự án theo Mẫu số 03 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Tài liệu chương trình, dự án được xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường phù hợp với quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
c) Báo cáo kỹ thuật hoặc báo cáo thẩm định chương trình, dự án của cơ quan thẩm định độc lập theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường phù hợp với quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
d) Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực các loại giấy phép và văn bản có liên quan đến hoạt động chuyên môn của chương trình, dự án theo quy định hiện hành.
3. Đánh giá và chấp thuận chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức về một trong các trường hợp: chấp nhận hồ sơ hợp lệ; yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hoặc từ chối nếu hồ sơ không hợp lệ. Thời hạn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị là không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày có thông báo bằng văn bản về việc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá hồ sơ đề nghị chấp thuận chương trình, dự án thông qua việc lấy ý kiến cơ quan có liên quan. Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn tối đa 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến kèm theo hồ sơ;
c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả đánh giá, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định chấp thuận chương trình, dự án và thông báo cho tổ chức đề nghị; trong trường hợp không được chấp thuận thì phải nêu rõ lý do.
4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về tổ chức đánh giá chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, chỉ định cơ quan quản lý chuyên ngành về biến đổi khí hậu làm cơ quan thường trực đánh giá.
5. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon ngoài khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm:
a) Khi đăng ký chương trình, dự án phải gửi thông tin đăng ký về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Mẫu số 04 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, dự án phải định kỳ hằng năm cung cấp thông tin tình hình thực hiện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 theo Mẫu số 05 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
Nếu bạn cần hỗ trợ thêm về tư vấn chứng nhận vui lòng liên hệ với chúng tôi:
Hotline: 0933 09 6426 - 0931796188